TS Trần Đình Bá cho rằng, cần đưa ra bài toán so sánh và lựa chọn công nghệ phù hợp nhất với VN, chứ không phải đưa ra một công nghệ đắt đỏ mang tính áp đặt.
Gần đây, thông tin về việc Cục Hàng không Việt Nam chính thức có văn bản đề xuất Bộ GTVT đầu tư hệ thống phát hiện vật thể lạ trên đường băng tại cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất (TP.HCM) và cảng hàng không Nội Bài (Hà Nội) với tổng mức đầu tư lên tới gần 1.000 tỷ đồng đang được dư luận quan tâm.
Vô cùng hiếm các sự cố do chim va chạm
Trao đổi trước đề xuất này, TS Trần Đình Bá - Hội viên hội Khoa học kinh tế VN cho rằng, đây chưa phải là việc làm cấp thiết vì ngành hàng không còn nhiều việc phải làm như chống ngập, kẹt sân đỗ…
Đánh giá về đề xuất trên, TS Trần Đình Bá cho rằng, đây chỉ là việc “lo xa" của Cục hàng không vì quanh sân bay có hồ nước, cây xanh ở các sân golf sẽ thu hút chim đến làm tổ.
Vị chuyên gia bày tỏ, tại sao phải đầu tư một số tiền lớn vào một dự án ở thì tương lai, trong khi, còn nhiều nhu cầu cấp thiết khác. Hơn nữa, hiện nay các sự cố do chim va chạm vẫn có nhưng vô cùng hiếm. Từ trước đến nay chưa có sự cố nào tương tự gây ảnh hưởng mạnh đến an toàn của máy bay, nên có cần thiết hay không?.
Cần cân nhắc kỹ phương án đuổi chim ở sân bay. Ảnh: Internet
Theo thống kê, năm 2014, các sân bay trên cả nước ghi nhận hơn 30 sự cố do chim va vào máy bay, phần lớn tại các sân bay như Buôn Ma Thuột, Vinh, Đà Lạt, Pleiku, Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất, nhưng không ở khu cất, hạ cánh mà là trên bầu trời, thế thì nếu lắp tại sân bay có hiệu quả không và để làm gì?.
Ngoài ra, việc áp dụng công nghệ tiên tiến để đảm bảo an toàn bay là cần thiết. Tuy nhiên TS Trần Đình Bá cho rằng, hiện nay các sân bay trên thế giới đang áp dụng rất nhiều loại công nghệ như radar, lazer, robot đuổi chim, nhưng mức đầu tư không quá nhiều.
Vì vậy, vị chuyên gia nhận định, cần đưa ra bài toán so sánh và lựa chọn công nghệ phù hợp nhất với VN, chứ không phải đưa ra một công nghệ đắt đỏ mang tính áp đặt.
Giá vé tăng, người dân sẽ chịu thiệt thòi
Trong đề xuất được đưa ra, Cục Hàng không cũng nêu rõ 3 phương án đầu tư. Phương án 1 sẽ do Nhà nước trực tiếp đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách. Phương án 2 do người khai thác cảng (ACV) làm chủ đầu tư và phương án 3 là thực hiện Xã hội hóa theo hình thức đối tác công tư (PPP).
TS Trần Đình Bá cũng có những phân tích cụ thể, theo đánh giá của ông, phương án dùng vốn ngân sách, hoàn toàn không hợp lý, ngân sách cũng từ thuế của dân, không phải tiền chùa.
Về phương án thứ 2, để ACV làm chủ đầu tư, ông cho rằng ACV là doanh nghiệp khai thác, làm chủ đầu tư thì phải bỏ tiền ra đầu tư để đảm bảo an toàn khai thác là đúng.
"Nhưng nếu chúng ta đầu tư, các hãng hàng không trong nước đang kêu nhiều vì chi phí mặt đất, dịch vụ tại các sân bay ở mức cao. Nhiều sân bay lẻ đang ế khách, nếu bây giờ đè ra thu phí tại tất cả các sân bay thì làm sao còn sức cạnh tranh?.
Cuối cùng là phương án đối tác công tư PPP, đây là hình thức không phù hợp với Luật doanh nghiệp, bởi vì không được đùn đẩy trách nhiệm quản lý an toàn sân bay cho ngân sách, vốn vay ODA và vốn các doanh nghiệp khác lo thay.
Với mô hình PPP, Nhà nước và Nhà đầu tư cùng phối hợp thực hiện Dự án phát triển kết cấu hạ tầng, cung cấp dịch vụ công trên cơ sở Hợp đồng dự án.
Bản thân Nhà nước cũng sẽ thiết lập các tiêu chuẩn về cung cấp dịch vụ và tư nhân được khuyến khích cung cấp bằng cơ chế thanh toán theo chất lượng dịch vụ. Đây là hình thức hợp tác tối ưu hóa hiệu quả đầu tư và cung cấp dịch vụ công cộng chất lượng cao, nó sẽ mang lại lợi ích cho cả nhà nước và người dân.
Thế nhưng, từ năm 2017, Thủ tướng đã chỉ đạo tạm dừng phê duyệt chủ trương cấp bảo lãnh Chính phủ đi vay nợ cho các dự án mới", ông Bá nhìn nhận.
Chốt lại vấn đề, ông Bá cho rằng giá vé chắc chắn sẽ tăng lên nếu như các hãng bay phải chi trả thêm một loại chi phí cho việc phát hiện vật thể lạ. Cuối cùng dân là người thụ động phải chịu thiệt thòi nhưng thực tế chưa chắc đã được hưởng lợi ích từ công trình dự án trên.
Đông Hùng